Cách chùa Thiên Mụ nổi tiếng không xa, Văn Miếu (thuộc phường Hương Hồ, TP Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế) nằm uy nghi bên dòng Hương giang thơ mộng.
Văn Miếu là tên gọi tắt của Văn Thánh Miếu. Ngôi miếu này thờ đức Khổng Tử - người được hậu thế tôn vinh là Vạn Thế sư biểu (người thầy của muôn đời) và các vị thánh hiền nhằm tôn vinh và khuyến khích Nho học.
Văn Miếu được xây dựng dưới thời vua Gia Long (năm 1808). Đến thời vua Minh Mạng, Thiệu Trị và Thành Thái, miếu được trùng tu, nâng cấp và xây dựng thêm các công trình kiến trúc phối thuộc.
Hàng năm, vào mùa Xuân và mùa Thu, triều đình tổ chức lễ tế ở đây. Các năm vua đích thân đứng chủ tế, cuộc lễ được tổ chức long trọng. Nhà Nguyễn xếp lễ tế Văn Miếu vào hàng trung tự.
Văn Miếu có nhiều công trình kiến trúc lớn nhỏ, trong đó có bia Tiến sĩ. Hai hàng bia đá Tiến sĩ gồm 32 tấm bia ghi danh 293 vị Tiến sĩ triều Nguyễn, bắt đầu từ khoa thi đầu tiên năm Minh Mạng thứ 3 (năm 1822) đến khoa thi cuối cùng vào năm Khải Định thứ 4 (năm 1919).
Trước cổng vào Văn Miếu có cửa Linh Tinh môn. Tấm biển ở giữa phía trước có 4 chữ Hán lớn “Đạo Tại Lưỡng Gian” (Đạo giữa trời đất), mặt sau có 4 chữ Hán tương đương “Trác Việt Thiên Cổ” (Vượt cao ngàn xưa).
Văn Miếu môn.
Biểu tượng rồng ở bậc lên xuống ở Đại thành môn.
Đại thành môn.
Đây là nơi thờ tự các bậc Tiên thánh, Tiên hiền Nho học và các bậc hiền tài của đất nước.
Ở khu vực trung tâm, trước điện Đại Thành có hai tấm bia Ngự chế của vua Minh Mạng (ghi lại huấn dụ của vua, nghiêm cấm không cho hạng thái giám tham dự chính sự) và vua Thiệu Trị (ghi huấn dụ của vua, cấm ngoại thích tham gia chính quyền).
Trải qua thăng trầm của lịch sử, Văn Miếu bị tàn phá nặng nề và dần được bảo tồn. Những tấm bia được dựng lại ngay ngắn và làm nhà bia che chắn.
Văn Miếu là di tích lịch sử vô cùng quý giá, đánh dấu thời kỳ hưng thịnh của Nho giáo. Đó từng là thời kỳ vương triều Nguyễn dùng Nho học làm phương tiện trợ giúp đắc lực để thiết lập quyền thống trị trên toàn quốc.
Việc lập Văn Miếu và dựng bia Tiến sĩ nhằm nhắc lại sự tôn trọng việc học, đề cao nhân tài của đất nước và những truyền thống tốt đẹp của dân tộc.
Di tích Văn Miếu là một trong những công trình tiêu biểu trong Quần thể kiến trúc Cố đô Huế - Di sản Văn hóa thế giới. Vì nhiều lý do, công trình đang trong tình trạng tổn thất nặng. Các công trình gỗ, bao gồm ngôi điện chính, chỉ còn lại nền móng.
Là một vùng đất có truyền thống hiếu học, việc đầu tư tu bổ phục hồi di tích Văn Miếu là rất cần thiết, nhằm tưởng nhớ đến những danh nhân đã góp phần xây dựng đất nước dưới triều Nguyễn, đồng thời góp phần tôn vinh, cổ vũ tinh thần hiếu học của dân tộc Việt Nam nói chung và người dân Thừa Thiên Huế nói riêng.
Tại Kỳ họp chuyên đề lần thứ 7, HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế khóa VIII đã quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư dự án “Tu bổ, tôn tạo và phục hồi thích nghi Di tích Văn Miếu” giai đoạn 1.
Việc đầu tư nhằm bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử văn hóa quốc gia đặc biệt, di sản văn hóa thế giới. Dự án này có tổng mức đầu tư hơn 65,9 tỷ đồng từ nguồn ngân sách nhà nước, dự kiến triển khai trong 3 năm.
Dự án này sẽ phục hồi thích nghi toàn bộ công trình Văn Miếu chính điện rộng 830m2. Phục hồi hệ tường móng xây gạch và các bậc cấp, cân chỉnh hệ thống chân táng đá Thanh hiện trạng, mặt nền hoàn thiện lát gạch Bát Tràng men… Dự án này còn tu bổ, phục hồi sân miếu, Đại Thành môn, Kim Thanh môn, Ngọc Chấn môn, Văn Miếu môn cùng hạ tầng kỹ thuật liên quan.
Sau khi phục dựng thành công di tích, công trình sẽ góp phần làm phong phú thêm cho di sản kiến trúc Cố đô Huế nói chung và cụm di tích từ khu vực Kim Long - chùa Thiên Mụ - Văn Miếu nói riêng.
Nguồn: Tổng Cục Du Lịch.